Cách chống sẹo thâm sau nặn mụn
- Lượt xem: 11648
Gần đây do thức khuya em bị nổi mụn. Do nặn, bóp bây giờ để lại sẹo và thâm, xung quanh chỗ thâm có những mạch máu nhỏ. Xin hỏi em bị gì, điều trị thế nào, ở đâu, chi phí ra sao? Nếu em dùng Acnes Scar Care có được không?
Khắc phục sẹo thâm do nặn mụn
Bạn My My thân mến,
Khi dùng tay “nặn, bóp” mụn, làm vùng da viêm xung quanh mụn đang tổn thương càng tổn thương nặng hơn, chưa kể động tác này còn làm vỡ các mạch máu nhỏ li ti của da nên sau mỗi lần bị “tra tấn” như vậy, da cần thời gian để bình phục, và trong quá trình “dưỡng thương” sẽ có hiện tượng tăng sinh mạch máu để giúp vết thương mau liền sẹo.
Do đó nhiều mạch máu mà bạn thấy xung quang vùng da thâm là hiện tượng sinh lý bình thường, các mạch máu này sẽ không biến mất, nhưng sẽ mờ dần khi cấu trúc da vùng tổn thương được tái tạo hoàn chỉnh. Tuy nhiên, những vết thâm sẽ tồn tại từ 6 tháng đến 1 năm, hoặc lâu hơn. Nếu bạn không tránh nắng hoặc tiếp tục “ra đòn bạo lực” với mụn.
Tùy theo mức độ nông sâu của sẹo mụn, mà chi phí điều trị thay đổi, trung bình từ 2 triệu - 30 triệu. Các phương pháp điều trị sẹo mụn hiện nay như: lột bằng hóa chất, vi phẫu cắt đáy sẹo, dermaroller (lăn kim), laser,…
Sau đây là những lời khuyên hi vọng sẽ giúp bạn hạn chế được những vết thâm và sẹo mụn trên mặt:
- Không nặn mụn hoặc lấy nhân mụn bằng mọi phương pháp, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
- Rửa mặt nhẹ nhàng 2 lần/ngày với các sản phẩm có pH trung tính.
- Che chắn vùng da thâm khi ra nắng (khẩu trang, nón,..) có thể sử dụng kem chống nắng để tăng cường khả năng bảo vệ.
- Uống nhiều nước, ăn các loại trái cây chứa nhiều vitamine C như: cam, quýt, xoài, sơ ri,..
- Ngủ đủ giấc (ít nhất 6-8 giờ/ngày)
- Tăng cường các hoạt động thể dục giúp khả năng vận chuyển oxi đến da được tốt hơn.
- Khám và điều trị mụn càng sớm càng tốt tại phòng khám chuyên khoa Da. Việc tự ý điều trị có thể làm mụn phát triển nhiều hơn kéo theo việc điều trị những tổn thương do mụn gây ra sẽ khó khăn và tốn kém hơn.
Nguồn: AloBS