Phẫu thuật điều trị sụp mi mắt
- Lượt xem: 8226
Người bị sụp mi rất khó giữ cho mi mắt bị bệnh mở to. Để tăng khả năng mở mắt, họ cố gắng nhướng lông mày để nâng cao mí mắt bị rủ xuống. Trẻ em sụp mi bẩm sinh có thể giảm thị lực bên mắt sụp mi hoặc chậm phát triển do hạn chế tầm nhìn.
Nguyên nhân sụp mi
Vận động nâng mi trên chủ yếu do tác dụng co cơ của cơ nâng mi trên. Nên các nguyên nhân sụp mi sẽ làm mất khả năng nâng mi trên của cơ nâng mi.
Sụp mi được chia làm hai nhóm nguyên nhân là sụp mi bẩm sinh và sụp mi mắc phải.
Sụp mi bẩm sinh chiếm khoảng 50-70% các trường hợp sụp mi, gồm sụp mi bẩm sinh đơn thuần, sụp mi bẩm sinh phối hợp (ví dụ phối hợp với liệt cơ nâng mi trên bẩm sinh, liệt dây thần kinh 3 bẩm sinh,…).
Sụp mi mắc phải hay gặp nhất là sự suy yếu cơ nâng mi ở người lớn tuổi, do liệt dây thần kinh bệnh lý hay do chấn thương, bệnh nhược cơ…
Mức độ sụp mi
Sụp mi được chia làm 3 độ: Nhẹ, trung bình, nặng
- Sụp mi nhẹ khi bờ mi trên che phủ giác mạc từ 2- 3 mm, thường chưa ảnh hưởng đến tầm nhìn nhưng làm mắt mất sự linh động
- Sụp mi trung bình: bờ mi trên che phủ từ 3-4 mm (che phủ 1 phần đồng tử nên đã làm giảm một phần tầm nhìn)
- Sụp mi nặng khi bờ mi trên che phủ trên 4 mm (che phủ phần lớn đồng tử nên tầm nhìn bị giảm nhiều)
Đánh giá trước phẫu thuật
Bác sĩ phẫu thuật thẩm mĩ sẽ khám xét và chẩn đoán nguyên nhân gây sụp mi, xác định mức độ sụp mi và đánh giá chức năng vận động của cơ nâng mi.
Tùy thuộc vào mức độ sụp mi và chức năng cơ nâng mi, bác sĩ giải thích cho bạn phương pháp điều trị tốt nhất.
Phẫu thuật điều trị sụp mi
Phẫu thuật chữa sụp mi thường được thực hiện dưới gây tê tại chỗ. Tùy thuộc vào mức độ sụp mi và chức năng cơ năng cơ nâng mi mà có phương pháp mổ phù hợp. Phẫu thuật chữa sụp mi ngoài mục đích làm mở to mắt còn cần lưu ý tạo sự cân xứng với mắt bên đối diện và tạo được nếp mí đôi tự nhiên.
- Sụp mi bẩm sinh mức độ nhẹ hay vừa, chức năng cơ nâng mi còn tốt thì phẫu thuật cắt ngắn cơ nâng mi là giải pháp thích hợp.
- Trường hợp sụp mi mức độ nặng, cơ nâng mi mất chức năng nhiều, phẫu thuật thay thế cơ nâng mi bằng cơ trán là biện pháp tối ưu. Phương pháp này sẽ tái tạo lại chức năng nhắm mở mắt sinh lý hơn nhiều so với phương pháp treo mi trên vào cơ trán
Ở khách hàng trung niên bị sụp mi mắc phải do yếu cơ nâng mi thì tùy thuộc vào tinh trạng da mi mắt mà có phẫu thuật cắt ngắn cơ mi khác nhau.
- Nếu bị dư da và mỡ mi mắt, phẫu thuật cắt ngắn cơ nâng mi qua đường bên ngoài sẽ giúp lấy bỏ phần da, mỡ thừa mi trên.
- Nếu không bị dư da mi mắt, phẫu thuật cắt ngắn cơ nâng mi qua đường kết mạc sẽ không để lại sẹo.
Chăm sóc và hồi phục sau mổ
Che mắt sau phẫu thuật 1 ngày để tránh nguy cơ bị khô mắt. Chăm sóc đường may bằng nước muối sinh lý 9 00/0 và mỡ kháng sinh. Cắt chỉ mắt đường may sau 5 ngày.
Vùng mi mắt thường sưng nề từ 3-5 ngày có thể bị bầm tím. Khách hàng sẽ thấy mắt mở to ngay sau khi bỏ che mắt, nếp mí rõ ràng nhưng còn to do bị sưng nề. Trong 1 – 2 tháng đầu sẽ có tình trạng nhắm mi mắt không kín nên cần nhỏ mắt bằng nước mắt nhân tạo 6 – 10 lần để giữ ẩm cho mắt.
Thông thường sau 2 tháng, sẽ phục hồi lại giải phẫu của mí mắt, tạo sự cân xứng của hai mắt, giúp khách hàng có được sự tự tin trong giao tiếp.
Những rủi ro có thể gặp phải
· Sưng nề, bầm tím mi mắt sẽ phục hồi sau 1-2 tuần.
· Nguy cơ điều chỉnh quá mức (mí mắt quá cao), hoặc dưới sự điều chỉnh (mí mắt vẫn còn quá thấp). Bác sĩ sẽ đánh giá lại sau 6 tháng và sửa lại nếu chưa đạt yêu cầu.
· Không có khả năng để đóng mí mắt hoàn toàn. Nguy cơ này là tạm thời do có sự bù trừ từ hoạt động của mi dưới cũng như khả năng thích ứng dần dần của mi trên.